Phân loài chim yến tại khu vực Khánh Hòa và Côn Đảo là phân loài chim yến hàng quý hiếm, là một phân loài yến đặc hữu của Việt Nam. Trong đó, Khánh Hòa có số lượng quần thể đàn chim yến hàng lớn nhất Việt Nam.

Trước thực trạng phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam như hiện nay, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam”. Chủ trì phối hợp với Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường, Trường Đại học Nha Trang thực hiện nghiên cứu đặc điểm di truyền phân loài chim yến tại Việt Nam, thời gian từ tháng 01/2012 cho đến nay.

Các nghiên cứu cho biết Chim yến (Aerodramus fuciphagus) là loài chim có giá trị kinh tế cao từ nguồn tổ yến thu được. Nghiên cứu trình tự gen Cytochrome b của DNA ty thể (Cytb mtDNA) của chim yến thu từ 4 khu vực: Khánh Hòa, Trảng Bom-Đồng Nai, Kiên Giang và Côn Đảo, kết hợp với các trình tự từ GenBank, kết quả cho thấy chim yến ở Việt Nam phân thành 2 nhóm lớn. Trong đó, các mẫu chim yến từ Kiên Giang và Trảng Bom – Đồng Nai có quan hệ gần gũi với các phân loài A. fuciphagus amechanus và A. fuciphagus vestitus.

{keywords}

Mẫu chim yến Khánh Hòa và Côn Đảo có sự phân tách rõ rệt với các phân loài yến Trảng Bom – Đồng Nai, Kiên Giang và trình tự các phân loài từ Genbank. Phân tích cho thấy phân loài chim yến ở Trảng Bom – Đồng Nai có khả năng là A. fuciphagus vestitus, chim yến Kiên Giang có khả năng là A. fuciphagus amechanus. Phân loài chim yến tại khu vực Khánh Hòa và Côn Đảo là phân loài chim yến hàng quý hiếm A. fuciphagus germani, là một phân loài yến đặc hữu của Việt Nam.

Trong những năm thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 đã xuất hiện cá thể chim yến lông màu trắng. Cá thể chim yến này đã được lưu truyền trong truyền thuyết nhưng vẫn chưa có dẫn liệu khoa học cụ thể nào chứng minh.

Đầu tháng 7/2014 tại Đảo yến Phú Yên đã xuất hiện cá thể chim yến đảo màu trắng. Hiện nay, cá thể đặc biệt này đang được Công ty Yến sào Khánh Hòa chăm sóc và nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Khoa học để xác định mẫu ADN.

Cá biệt chim yến trắng có bộ lông gần như màu trắng, lông vũ ở các bộ phận như đầu, cổ, thân, ống chân thì bên trong đen nhạt và bên ngoài màu trắng, lông cánh và đuôi có màu trắng (lông thứ cấp 1, 2, 3 ở mỗi cánh phần dưới cánh lông có màu đen nhạt từ ống lông đến thân lông).

Toàn bộ các thông số về các chỉ tiêu kích thước, ngoại hình cho thấy mẫu chim yến trắng đều thấp hơn các chỉ tiêu so với mẫu chim yến hàng Germani. Chim yến trắng có khả năng là một kiểu đột biến gen bạch tạng, là con lai giữa yến bạch tạng (Lông màu trắng, mắt màu đỏ,..) và yến thường (Lông màu xám, mắt màu đen,…).

Cá thể bạch tạng này do sự biến đổi gen làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành sắc tố ở động vật. Tuy nhiên, Trung tâm nghiên cứu khoa học sẽ theo dõi thêm một số chỉ tiêu: đặc điểm kết đôi (chim trống và chim mái có màu trắng hay không), đặc điểm của tổ chim, màu sắc, khối lượng trứng đẻ ra, màu sắc lông của con non… để đánh giá chính xác nguyên nhân và ảnh hưởng của màu sắc lông đến các đặc điểm khác của chim yến trắng.

Phân loài chim yến tại khu vực Khánh Hòa và Côn Đảo là phân loài chim yến hàng quý hiếm, là một phân loài yến đặc hữu của Việt Nam; cần đưa vào chương trình khoa học công nghệ quốc gia: Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen quý, xây dựng sản phẩm thương hiệu quốc gia. Do đó, cần thực hiện những nghiên cứu sâu hơn về đặc điểm hình thái, sinh thái và mở rộng khu vực thu mẫu để đưa ra kết luận chính xác về phân loài này.

Công ty Yến sào Khánh Hòa rất mong nhận được sự hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học chuyên sâu về chim yến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm tạo cơ sở vững chắc và động lực cho sự phát triển mạnh mẽ quần thể chim yến hàng tại Việt Nam.

Ths. Lê Hữu Hoàng